Anh Bùi Khắc Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đoa cho hay: “Hiện nay, chúng tôi đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng đập dâng để nâng cao trình vượt lũ. Vì đây là hạng mục mang tính quyết định chống lũ để triển khai thực hiện nhiều hạng mục bên dưới sẽ được xây dựng trong mùa lũ năm nay. Cho tới thời điểm này, mục tiêu chống lũ của chúng tôi có thể được xem là đã hoàn thành”.
Được khởi công xây dựng từ cuối năm 2007, Công trình thủy điện Đăk Đoa có công suất lắp máy 14MW, với tổng sản lượng điện trung bình mỗi năm là 56,3 triệu KWh. Công trình do Công ty cổ phần thủy điện Đăk Đoa làm chủ đầu tư, với tổng mức kinh phí 300 tỷ đồng. Đây là công trình thủy điện lớn nhất của huyện, với 2 tổ máy. Phần lòng hồ có diện tích khoảng 3 km2, thuộc địa phận các làng đồng bào dân tộc thiểu số của 2 xã Đăk Krong và Đăk Sơ Mei (Đăk Đoa). Dòng sông Ia Krom sau khi cung cấp nước cho thủy điện này, lại được chảy về tỉnh Kon Tum để hòa vào “dòng sông chảy ngược” – Đăkbla, rồi đổ vào lòng hồ thủy điện Ia Ly.
Đường vào nhà máy chỉ cách thành phố Pleiku chừng 40km và đã được trải nhựa. Nhà máy nằm cạnh con đường dự án đã được mở nối liền quốc lộ 14 đi về tỉnh Kon Tum và quốc lộ 19 xuống tỉnh Bình Định. Đường điện cao thế 220V phục vụ cho việc thi công công trình đã được kéo về đến tận trung tâm xã Đăk Sơ Mei. Mặt bằng thi công rộng, địa hình không mấy phức tạp… Anh Trương Văn Trưởng – kỹ sư thiết kế khảo sát, trưởng phòng đền bù dự án cho hay: “Quan trọng nhất là địa hình không mấy phức tạp, nên những thông số đo đạc thiết kế đều chuẩn, rất thuận lợi cho việc thi công. Việc đi lại và sinh hoạt cho cán bộ, công nhân trên công trường cũng đỡ vất vả”.
Ở công trình thủy điện này, cái khó khăn nhất vẫn là điều kiện thời tiết mưa nhiều của vùng đất Tây Nguyên. Đặc biệt là trên dòng sông Ia Krom này, mỗi khi mùa mưa đến, mực nước lũ lại dâng lên rất cao. Do vậy, công tác chống lũ ở công trình phải được đặt lên hàng đầu; nếu không làm được điều này, thì mọi hạng mục thi công ở đây đều bị ngừng trệ trong mùa mưa lũ. Ngoài ra, công trình còn có một đường hầm dẫn nước dài gần 1km, với đường kính thông thủy là 3,2m đi xuyên qua một quả đồi. Đây là hạng mục được cho là rất vất vả trong việc thi công. Bởi để khai thông được đường hầm này, ngoài công tác trắc địa, định vị phải được chính xác đến từng ly, để khi từ 2 đầu đào vào phải gặp nhau, thì còn phải khoan đá, nổ mìn, nén khí, thông gió và đưa những chiếc máy đào chuyên dụng vào làm việc trong lòng đất, với độ sâu khoảng 40m so với đỉnh đồi…
Cho đến nay, công trình thủy điện Đăk Đoa đã thi công được hơn một nửa chặng đường. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đã được thực hiện đến 99%. Gói thầu thiết bị cơ điện cũng đã được ký kết với đối tác và sắp có bản vẽ công nghệ để chuyển vào công trường. Tâm sự với chúng tôi, anh Hiếu khẳng định: “Tiến độ thi công ở đây, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều do thời tiết, nhưng chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành việc phát điện 2 tổ máy vào tháng 8 và tháng 10 năm sau theo đúng kế hoạch. Mọi việc ở đây được triển khai nhanh là nhờ môi trường đầu tư ở tỉnh Gia Lai rất thuận lợi. Mọi thủ tục về pháp lý đã được các cơ quan chức năng giải quyết nhanh chóng. Ngoài ra, chúng tôi còn được UBND huyện tạo điều kiện thuận lợi trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Do đó, sau khi thỏa thuận thống nhất về giá đền bù, người dân ở đây đã sẵn sàng nhận tiền và tự nguyện trao mặt bằng, nên chúng tôi có điều kiện thuận lợi để thực hiện các hạng mục ngay từ khi mới được cấp phép”.
Theo ông Lê Viết Phẩm, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Đây là công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn huyện và cũng là công trình công nghiệp duy nhất hiện nay của Đăk Sơ Mei, một xã còn nghèo của huyện. Nhưng khi xây dựng xong công trình này chắc chắn sẽ làm thay đổi diện mạo của vùng quê này. Do đó, từ bây giờ, chúng tôi cũng mong muốn công tác đền bù, xây dựng được thực hiện nhanh chóng. Huyện đã thành lập hội đồng đền bù, phối hợp cùng các ban ngành trực tiếp tham gia làm công tác vận động, thậm chí là phải đến vận động từng nhà, sau đó mới đưa ra họp dân. Mặc dù trên cơ sở giá đền bù của tỉnh, nhưng chúng tôi phải thỏa thuận với dân là chính. Cho đến nay, công tác đền bù được coi như đã xong. Còn lại những vấn đề hỗ trợ mà trước đây công ty đã hứa với dân như: xây dựng 2 cây cầu treo bắt qua sông, di dời và xây dựng khu nhà mồ cho các làng có nhà mồ nằm trong lòng hồ, hỗ trợ gạo, tiền… Ngoài ra, việc hỗ trợ cho làng Adroch một đường điện hạ thế thì công ty đã làm xong”.
Có thể nói, công trình Thủy điện Đăk Đoa đến nay đã đạt được tiến độ như mong muốn. Khi công trình đi vào hoạt động, chắc chăn sẽ biến những vùng quê nghèo nơi đây thành một điểm công nghiệp cung cấp năng lượng sạch cho đất nước. Rồi đây, các địa phương nơi công trình thủy điện đứng chân cũng cần phải chủ động tính đến việc kết hợp phát triển nuôi trông thủy sản, phát triển thương mại dich vụ… có như vậy công trình thủy điện mới phát huy đầy đủ ý nghĩa về mặt kinh tế - xã hội của nó.
CÁC THÔNG SỐ CHÍNH |
Mực nước dâng bình thường MNDBT | 614,0m |
Mực nước chết MNC | 609,0m |
Dung tích toàn bộ (Vtb) | 29,13 x 106m3 |
Dung tích hữu ích (Vhi) | 12,57 x 106m3 |
Lưu lượng lớn nhất qua nhà máy | 41,32m3/s |
Cột nước lớn nhất: Hmax | 46,43m |
Cột nước nhỏ nhất: Hmin | 37,18m |
Cột nước tính toán: Htt | 40,10m |
Công suất lắp máy (Nlm) | 14,0MW |
Điện lượng bình quân nhiều năm (Eo) | 56,638 Triệu kWh |
4
580409